Kinh nghiệm du lịch Iran tự túc từ A đến Z

Iran thu hút du khách bởi những tòa thành cổ kính, sa mạc bát ngát và vẻ đẹp huyền bí của văn hóa Persepolis. Tuy nhiên, đối với nhiều người Việt, việc du lịch tự túc Iran có thể vẫn còn là một điều xa lạ. Hãy cùng Bankervn lên kế hoạch cho hành trình khám phá quốc gia huyền bí này với những chia sẻ được đúc rút từ kinh nghiệm thực tế cực kỳ hữu ích.

Đôi nét về Iran

Kinh nghiệm du lịch Iran tự túc

Iran tên đầy đủ là Cộng hòa Hồi giáo Iran, ở phía Tây, Châu Á. Quốc gia này giáp Vịnh Oman, Vịnh Ba Tư và Biển Caspi, là nút giao thông đường biển cực kỳ quan trọng để vận tải phần lớn dầu thô của Trung Đông đi khắp thế giới. Iran là láng giềng của Afghanistan, Armenia, Azerbaijan, Iraq, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Turkmenistan.

Dân số Iran khoảng 84 triệu người, đa số theo Hồi giáo Shia. Phần lớn là người Ba Tư (61%) và người Azeris (16%), người Kurd (10%) và một số cộng đồng ít hơn như người Lurs, Turkmen, Balochis, Ả Rập. Diện tích Iran là 1.648.195 km² gấp khoảng 5 lần Việt Nam. Địa hình đa dạng từ sa mạc, vùng núi cao, thung lũng mênh mông, đồng cỏ xanh tươi và bờ biển dài ven biển Caspi và biển Ả Rập.

Trong lịch sử, Iran từng là quê hương Đế chế Ba Tư, Đế chế Sassanid. Văn hóa Iran phản ánh trong nghệ thuật, kiến trúc, văn học và khoa học, với các công trình nổi tiếng như Persepolis, Isfahan và Shiraz. Nếu lấy thủ đô Tehran làm trung tâm, có 2 cung đường du lịch là đi lên phía Bắc hoặc xuống phía Nam. Phía Bắc thiên về cảnh quan thiên nhiên và phía Nam thiên về văn hóa, di tích lịch sử.

Tiền tệ, con người, wifi, an ninh

Bản đồ Du lịch Iran

Du lịch Iran có an toàn không

Một trong những câu hỏi phổ biến là du lịch Iran có an toàn không, có an ninh không. Bankervn xin khẳng định, ngoài chuyện bị cấm vận, Iran là một quốc gia cực kỳ yên bình. An ninh tốt hơn cả các quốc gia phát triển, không có cả mấy chuyện ăn cắp vặt. Ví dụ như ở Isfahan, người ta cầm cả bịch tiền đi đổi như bán vé số mà không hề sợ sệt điều gì.

Con người

Người Iran

Đặc sản của Iran là sự thân thiện và mến khách. Nếu bạn đang mất niềm tin, thì đây là nơi chữa lành. Người dân sẵn sàng giúp đỡ du khách, sự nhiệt tình, chân thành có thể tìm thấy ở khắp nơi.

Lưu ý, Iran là quốc gia hồi giáo, theo phong tục, phụ nữ ra ngoài đường cần đội Hijab, một tấm khăn trùm đầu và ngực. Mặc dù giờ đây mọi thứ không quá khắt khe như trước, đặc biệt là các thành phố lớn, nhưng hãy tôn trọng phong tục của họ.

Ngôn ngữ

Có khoảng 63% dân số nói tiếng Ba Tư (Farsi), đây là ngôn ngữ chính thức của Iran. Tiếng Azerbaijan là ngôn ngữ được nói nhiều thứ hai tại Iran, và tiếng Kurd đứng thứ ba. Ngoài ra, bạn có thể nghe thấy rất nhiều ngôn ngữ khác do sự đa dạng văn hóa và dân tộc của đất nước này. Tại đây có rất ít người nói tiếng Anh. Biển hiệu và menu toàn tiếng Ba Tư. Một trong những khó khăn của du khách là con số hay giá tiền, Iran sử dụng số Ba Tư chứ không phải số Latinh.

Chữ số Ba Tư

Tiền tệ

Tiền tệ Iran

Đồng tiền chính thức ở Iran là Rial. Một Rial chỉ bằng khoảng 0,5 đồng Việt Nam, một đô la Mỹ tương đương 480.000 Rial. Tuy nhiên, hầu hết mọi người sử dụng đồng Toman có giá trị gấp 10 lần Rial, tức là một đô la Mỹ tương đương 48.000 Toman. Một phần vì cấm vận, đồng tiền Iran luôn ở tình trạng lạm phát, mất giá, tiền phải mang “bao tải” đi đựng.

USD và EUR được chấp nhận thanh toán rộng rãi, người dân cũng ưa sử dụng ngoại tệ để tránh lạm phát. Du khách nên đổi USD rồi sang đó tùy tình hình đổi Toman sau. Việc đổi tiền ở Iran rất dễ dàng thông qua các cửa hàng, điểm mua bán, khách sạn, tài xế, thậm chí ngay trên đường.

Lưu ý là việc thanh toán qua các loại thẻ tín dụng quốc tế là không thể, đây là một trong những hạn chế của lệnh cấm vận của Mỹ. Nếu không muốn mang tiền mặt, du khách cần đăng ký thẻ ghi nợ của Iran. Một loại thẻ rất hữu ích cho khách du lịch là Daric Pay, có thể làm ngay tại Sân bay IKI hoặc khách sạn, thẻ này có thể thanh toán tất cả mọi thứ ở mọi nơi.

Sim và internet

mostafa meraji

Có thể mua sim tại sân bay hoặc trong các cửa hàng trong thành phố. Thủ tục cần có hộ chiếu và thời gian, nghiêm cấm đưa sim cho người khác. Sim khá đắt khoảng 8$, có các gói 4G để lựa chọn. Wifi được phủ sóng tại hầu hết các khách sạn, nhà hàng. Nhưng tốc độ mạng ở đây không nhanh và nhiều khi còn chập chờn.

Mạng xã hội chính ở Iran là Instagram và nhắn tin qua WhatsApp. Google Maps bình thường, Google translate khi được khi không. Để truy cập các app bị kiểm soát như facebook, youtube, cần cài VPN. Lưu ý, khi sử dụng các app như map, dịch, đặt xe… nên tắt VPN sẽ nhanh hơn.

Thời điểm tốt nhất để ghé thăm Iran

Tỉnh Zanjan, Iran

Iran là một đất nước rộng lớn, các điểm thăm quan trải rộng trên nhiều địa hình và nền khí hậu khác nhau. Trong đó, phần lớn nằm trong vùng khí hậu khô cằn, bán khô cằn cho tới cận nhiệt đới ở dọc bờ biển Caspi. Mùa xuân có khí hậu dễ chịu nhất, mùa hè nóng như thiêu đốt, mùa thu mát mẻ vè mùa đông lạnh giá.

  • Mùa xuân từ tháng 4 đến tháng 6
  • Mùa hè từ tháng 6 đến tháng 9
  • Mùa thu từ tháng 9 đến tháng 11
  • Mùa đông từ tháng 12 đến tháng 3

Như vậy, thời điểm tốt nhất để ghé thăm Iran là mùa xuân hoặc mùa thu, trong khoảng từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 6 và tháng 9 đến tháng 11. Lúc này thời tiết dễ chịu, thích hợp cho các hoạt động khám phá và tham quan. Mùa hè trời quá nóng và mùa đông quá lạnh gây ra những hạn chế cho du lịch. Lưu ý rằng Iran là quốc gia Hồi Giáo nên có tháng ăn chay (Ramadan). Tháng này tính theo lịch âm của người Hồi Giáo nên không cố định. Trong thời gian này, một số hoạt động có thể bị hạn chế.

Hồ muối Urmia - nguồn Thảo Lã
Hồ muối Urmia – nguồn Thảo Lã

Chi phí du lịch tự túc Iran

Một ngôi đền tại Esfahan

Du lịch tự túc Iran không quá đắt đỏ, ngoài vé máy bay ra thì chi phí ở đây thậm chí còn thấp hơn Sài Gòn. Bankervn xin liệt kê các chi phí di chuyển, ăn ở, tham quan để bạn có thể hình dung và lên kế hoạch cho chuyến đi.

Visa du lịch Iran

Đại sứ quán Iran tại Hà Nội

Visa Iran thuộc loại dễ, thủ tục không đòi hỏi công việc hay tài chính phức tạp, có thể tự làm hoặc đơn giản là sử dụng Dịch vụ visa Iran của Bankervn. Nếu bạn lo lắng đi Iran bị từ chối visa Mỹ hay Israel thì yên tâm vì visa Iran là dạng rời không dán trên hộ chiếu, dấu xuất nhập cảnh cũng đóng trên đó luôn. Thủ tục xin visa Iran bao gồm 2 bước:

  • Bước 1: khai thông tin cơ bản và upload hộ chiếu, ảnh tại đây. Kết quả trả về sau khoảng 2 tuần.
  • Bước 2. Đóng phí và nhận visa tại Đại sứ quán Iran tại Hà Nội (80 EURO) hoặc tại sân bay ở Iran (100 EURO).

Evisa Iran có thời hạn 90 ngày, thời gian lưu trú một lần. Thủ tục nhập cảnh tương đối đơn giản, dễ dàng, bạn chỉ cần cầm evisa kẹp vào hộ chiếu cùng bảo hiểm du lịch. Trường hợp khi đến không có bảo hiểm, bạn có thể mua ở sân bay Imam Khomeini (Tehran) với giá khoảng 15 EUR.

Chi phí vé máy bay

Sân bay quốc tế Mehrabad

Việc tìm vé máy bay giá rẻ để đến Iran có thể dễ dàng hơn bạn nghĩ. Một lựa chọn phổ biến là bay tới Bangkok, sau đó chuyển tiếp từ Bangkok đến Shiraz hoặc Tehran. Các chuyến bay thường phải quá cảnh tại Muscat, bạn có thể xem xét hãng hàng không giá rẻ Salam Air của Oman. Tổng chi phí vé máy bay thường dao động trong khoảng 15-20 triệu đồng. Nếu đặt vé sớm, có thể tiết kiệm hơn.

Nhiều người chê Salam Air thậm tệ, nhưng thực tế mình thấy tương đối ổn với một hãng hàng không giá rẻ. Chỉ có điều không có một chai nước cho một chuyến bay 5-6 tiếng. Nếu đến Shiraz thì lưu ý rằng sân bay này khá nhỏ, không có quầy đổi tiền hoặc mua sim đâu nhé.

Chi phí chỗ ở

Ngôi nhà truyền thống tại Yazd

Do lệnh cấm vận, Agoda, Airbnb và Booking đều không hoạt động ở Iran. 1st Quest và Hostelworld có lẽ hai website duy nhất để đặt phòng online và chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng. Hostel có giá từ 10-15$, đắt nhất là 18$. Có nhiều hình thức bạn nên trải nghiệm như lưu trú tại nhà dân hay các khách sạn cổ. Bạn sẽ có cảm giác như lạc vào xứ sở nghìn lẻ một đêm.

Chi phí ăn uống

Ẩm thực Iran

Ăn uống ở Iran khá rẻ, một bữa ăn thường ở mức 1,5-3$, nhà hàng cũng chỉ 5-10$. Đồ ăn chủ yếu là các loại thịt bò, cừu, gà được nướng hoặc hầm với các loại hạt. Rất ít rau, thường là salad truyền thống từ dưa chuột và cà chua muối. Kèm theo phần cơm siêu to khổng lồ. Từ Tabriz lên phía Bắc, đồ ăn ngon và đa dạng hơn.

Vé tham quan

Imam Hussein Mosque Entrance Hallway

Hầu hết các thánh đường đều bán vé vào cửa. Giá vé tham quan các di tích và thánh đường từ 1-5$. Là một quốc gia Hồi Giáo, Iran có lịch âm kiểu như lịch âm của mình, thứ 5 và thứ 6 dương lịch là hai ngày cuối tuần của họ. Khi lên kế hoạch, bạn cần lưu ý ngày cuối tuần các điểm du lịch sẽ thay đổi giờ mở cửa hoặc thậm chí đóng cửa.

Ứng dụng cần sử dụng tại Iran

Vùng núi Iran

  • WhatsApp: Hầu hết người dân Iran sử dụng WhatsApp. Đây là phương tiện chính để liên lạc với khách sạn, guide.
  • Google Translate: Tiếng anh không phổ biến tại Iran và Google Translate là một trong những ứng dụng hữu ích nhất. Tuy nhiên, Google Translate ở đây thường xuyên chập chờn.
  • Instagram: Instagram rất phổ biến ở Iran vì Facebook bị chặn.
  • Snapp: Snapp có thể coi là phiên bản “Uber” của Iran. Dịch vụ taxi ở Iran rất phổ biến và giá cả rất hợp lý, nhưng Snapp thường rẻ hơn nữa.
  • VPN: Tại Iran, nhiều trang web và ứng dụng bị chặn bởi chính phủ, bao gồm Facebook, Twitter, Netflix, YouTube, Tinder, Couchsurfing… Để truy cập các trang web bị chặn, bạn cần tải xuống và sử dụng một dịch vụ VPN (Mạng riêng ảo). VPN có phiên bản miễn phí và trả phí, một trong những dịch vụ tốt nhất là ExpressVPN.

Di chuyển giữa các thành phố

Thủ đô Tehran, Iran

Nhìn chung, cơ sở hạ tầng giao thông công cộng tại Iran tuyệt vời. Để di chuyển giữa các thành phố du lịch, bạn có thể chọn thuê xe có tài, không tài, xe khách, VIP Bus, tàu hỏa hoặc bay nội địa. Thậm chí nhiều người còn đi taxi, bởi vì tại Iran không có gì nhiều bằng xăng, chi phí đi lại sẽ khiến bạn bất ngờ.

Xe khách thì hơi cũ, VIP Bus hiện đại hơn, cả hai đều rộng rãi và thoải mái, giá lại rẻ hơn ở mình nhiều. Vé tàu khó mua hơn xe khách hay bus. Có thể ra bến mua hoặc nhờ khách sạn hoặc người dân đặt hộ. Bay nội địa thì là lựa chọn số một rồi, xăng rẻ nên giá rẻ, tính ra khoảng vài trăm. Tuy nhiên, rất hay hết vé vì cả tuần mới có 1-2 chuyến, có chặng 2 tuần một chuyến. Vì vậy, cần chủ động đặt vé sớm nhé.

Nếu tự mua thì bạn nên nhờ người khác viết điểm đến, ngày giờ… bằng tiếng Ba Tư vào giấy. Đề phòng trường hợp người bán vé không biết tiếng Anh. Google translate ở đây chập chờn lắm.

Bến xe bus tại Iran

Di chuyển trong các thành phố

Metro tại Tehran

Iran ít sử dụng tiếng anh, dùng chữ số Ả Rập, vì vậy việc giao tiếp với tài xế, nhìn biển số xe… sẽ tốn thời gian. Tuy nhiên, sự giúp đỡ nhiệt tình của người dân sẽ giúp bạn thoải mái. Nếu không ngại nhờ vả, hãy sử dụng các app. Còn không thì cứ nhờ khách sạn, tour guide, agency đặt/gọi xe, thỏa thuận giá. Lưu ý là tại các thành phố có người vẫn nói thách nhé, nên nhờ qua người nào đó thì họ sẽ ra mặt cho bạn như một lẽ dĩ nhiên mà không cần nhờ vả.

  • Metro chỉ có tại Tehran. Đường ở thủ đô tắc thường xuyên, nên đi metro cực kỳ tiện, giá vé chỉ vài ngàn đồng. Để xem các tuyến đường thì sử dụng app Metro Iran.
  • Taxi có thể dùng app Snapp rẻ khủng khiếp, nhờ người đặt cũng không đắt hơn bao nhiêu.
  • Trên đường, thỉnh thoảng, mình còn thấy nhiều người kiếm được xe máy nhé.

Các thành phố du lịch nổi tiếng của Iran

Thủ đô Tehran

Thủ đô Tehran

Tehran là thủ đô và thành phố lớn nhất của Iran, nằm giữa dãy núi Alborz. Thành phố mang đến cái nhìn về một Iran hiện đại, kết hợp hài hòa với các di sản lịch sử. Đây là điểm đến phổ biến với nhiều bảo tàng và cung điện. Hai địa điểm thú vị cho chuyến tham quan trong ngày là Tochal và Darband. Dưới đây là một số điểm đến đáng lưu ý:

  • Lâu đài Golestan (Golestan Palace): Là một di sản thế giới UNESCO, lâu đài này được xây dựng vào thế kỷ 16 và là một ví dụ xuất sắc của kiến trúc Persia.

Golestan Palace

  • Bảo tàng Quốc gia Iran (National Museum of Iran): Bảo tàng này trưng bày các hiện vật lịch sử, nghệ thuật và văn hóa của Iran từ thời kỳ cổ đại đến hiện đại.
  • Tháp Azadi (Azadi Tower): Tháp Azadi là biểu tượng của Tehran và thường được coi là biểu tượng tự do và độc lập của Iran.

Azadi Tower

  • Tháp Milad (Milad Tower) cao khoảng 435 mét, được hoàn thành vào năm 2007. Có tầng quan sát ngắm nhìn toàn thành phố.
  • Cầu Tabiat (Tabiat Bridge) là một công trình kiến trúc ấn tượng tại Tehran, Iran, nằm giữa Công viên Taleghani và Công viên Abo-Atash. Được hoàn thành vào năm 2014, cầu này kết nối hai bên của sông Modarres và là một điểm đến thú vị cho người dân và du khách với kiến trúc hiện đại và không gian công cộng.
  • Quảng trường Imam (Imam Square): Đây là một trong những quảng trường lớn nhất thế giới và bao gồm Cung điện Imam, Đền Sheikh Lotfollah, và Thánh đường Shah.
  • Khu tổ hợp Sa’dabad (Sa’dabad Complex): bao gồm White Palace, Green Palace và Bảo tàng Sa’dabad
  • Chợ Grand (Grand Bazaar): Chợ lớn có lịch sử từ thời kỳ Safavid, vào thế kỷ 17. Bao gồm hàng nghìn cửa hàng và gian hàng bày bán đủ loại hàng hóa, từ thực phẩm và thảm đến trang sức và đồ thủ công.

Grand Bazaar, Tehran

  • Chợ Tajrish (Tajrish Bazaar): Là một trong những chợ truyền thống của Tehran, nơi bạn có thể mua sắm các sản phẩm thủ công và thực phẩm địa phương.

Isfahan hay Esfahan

Isfahan hay Esfahan

Isfahan (اصفهان‎) là thành phố lớn thứ ba của Iran, cách Tehran 340 km về phía nam. Đây là một thành phố có lịch sử lâu đời, từng là thủ đô của đế chế Safavid vào thế kỷ 16 và 17. Nổi tiếng với vẻ đẹp của kiến trúc Hồi giáo, đại lộ, nhà thờ. Dưới đây là một số điểm đến đáng lưu ý:

  • Quảng trường Naghshe Jahan (Naghsh-e Jahan): Được coi là một trong những quảng trường lớn nhất thế giới. Nơi này bao gồm các công trình nghệ thuật kiến trúc đẹp như Thánh đường Sheikh Lotfollah, Lâu đài Ali Qapu và Thánh đường Imam (Masjid Imam).

Naghsh-e Jahan

  • Thánh đường Sheikh Lotfollah: Một tác phẩm kiến trúc độc đáo với lối vào hình học và nghệ thuật hoa văn tinh xảo.

Sheikh Lotfollah

  • Thánh đường Imam (Masjid Imam): Một trong những thánh đường đẹp và quan trọng nhất của Iran với kiến trúc tinh tế.

Imam mosque (Shah mosque) - Isfahan

  • Lâu đài Ali Qapu: Lâu đài cổ kính với các phòng triều đình và ban công tuyệt đẹp.
  • Cây cầu Si-o-Se Pol: Cầu đá kiến trúc đẹp vượt qua sông Zayandeh Rud và là nơi thư giãn tuyệt vời.
  • Cây cầu Khaju: Cầu vòm hùng vĩ với thiết kế độc đáo, là nơi tận hưởng cảnh quang và âm nhạc truyền thống.
  • Bảo tàng Chehel Sotoun: Bảo tàng hiển thị nghệ thuật và lịch sử Safavid với lâu đài và vườn cổ điển.
  • Lâu đài Hasht Behesht: Một công trình lâu đài tuyệt đẹp trong một vùng cây xanh tại Isfahan.
  • Cung điện Manar Jonban: Nơi bạn có thể xem hiện tượng rung động của công trình khi đập vào một bức tường và tạo ra cảm giác như “rung động.”
  • Bảo tàng Vườn Fin (Fin Garden): Một vườn cung điện đẹp với không gian xanh mát, hồ nước và kiến trúc truyền thống.

Tip: mình ở Isfahan Heritage Hostel, đặt qua Hostelworld. Chỗ này tốt hơn chỗ mình ở Tehran, lại rẻ hơn và có thể đi bộ qua Quảng trường. Mình đánh giá cao bạn guide Alireza Damadzadeh, whatsapp +989133049056

Thành phố bên rìa sa mạc Kashan

Thành phố bên rìa sa mạc Kashan

Kashan (کاشان) là một thành phố quan trọng tại miền trung Iran, cách Tehran 250 km về phía nam. Nơi đây từng là một trung tâm sản xuất đồ gốm từ thế kỷ 12 và 14. Nổi tiếng với kiến trúc lịch sử độc đáo và di sản văn hóa. Thành phố này có một di sản đa dạng bao gồm cung điện cổ kính, bảo tàng, vườn hoa đẹp mắt và các công trình nghệ thuật độc đáo. Dưới đây là danh sách các điểm tham quan nổi tiếng tại Kashan:

  • Agha Bozorg Mosque and School: Một trong những thánh đường và trường học lịch sử quan trọng nhất của Iran. (Thánh đường Agha Bozorg và Trường học)

Agha Bozorg Mosque

  • Fin Garden: Vườn hoa xinh đẹp với hồ nước và kiến trúc cổ điển.
  • Tabatabaei House: Ngôi nhà cổ kiến trúc nổi tiếng với thiết kế tinh xảo và trang trí đẹp mắt.
  • Borujerdi House: Một ngôi nhà truyền thống đẹp mắt với kiến trúc độc đáo và nghệ thuật thủ công tinh xảo.
  • Sultan Amir Ahmad Bathhouse: Một hàm cách nhiệt cổ đại với kiến trúc đẹp và hệ thống dẫn nước thông minh.
  • Kashan Bazaar:  Một trong những chợ truyền thống tại Iran với nhiều hàng hóa độc đáo và sản phẩm thủ công.

Kashan Bazaar

  • Sialk Mounds: Những đống đồi cổ kính có niên đại hàng ngàn năm, cho thấy sự phát triển của nền văn hóa cổ đại.
  • Kashan Traditional Tea Houses: Nơi bạn có thể thưởng thức trà và hương vị đặc trưng của Kashan trong môi trường truyền thống.

Tip: Mình ở nhà bạn Khaneh Mahboob, rất gần các điểm tham quan địa phương. Nhà này chỉ có 2 phòng, nhưng chủ nhà rất nhiệt tình và thân thiện. Người mẹ nấu ăn rất ngon, anh con trai lớn là một kiến trúc sư, cô vợ là người yêu thích âm nhạc và anh con trai út đam mê lịch sử. Khi mình đến, ngẫu nhiên là vào dịp lễ hồi giáo lớn nhất trong năm, và cả gia đình đã chở mình đi tham quan. Điều làm mình lưu luyến ở Kashan chính là ngôi nhà và những con người tuyệt vời ở đó. WhatsApp của chị vợ là +989197207883 và WhatsApp của anh chồng là +989126830592. Phản hồi hơi lâu nha.

Thành phố của những cột thu gió Yazd

Thành phố của những cột thu gió Yazd

Yazd (یزد‎) là một trong những điểm đến du lịch phổ biến nhất Iran, cách Isfahan khoảng 270 km về phía đông nam. Nơi được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ năm 2017. Thành phố nổi tiếng với đền thờ Hỏa giáo, bể chứa nước cổ đại (Yazd Ab-Anbar), kênh ngầm dẫn nước (Qanat), cấu trúc hình vòm (Yakhchāl) và các nghề thủ công. Các địa điểm du lịch nổi tiếng bao gồm:

  • Amir Chakhmaq Complex (Quảng trường Amir Chakhmaq) là một trong những điểm tâm điểm của Yazd với kiến trúc độc đáo. Trung tâm của quảng trường là Amir Chakhmaq, một tòa tháp ba tầng với các cửa hàng và quán cà phê dọc theo các tầng. Quảng trường này cũng có ba cánh hình tam giác khá độc đáo và thường xuyên được sử dụng cho các hoạt động nghệ thuật và văn hóa.

Quảng trường Amir Chakhmaq

  • Jameh Mosque of Yazd (Thánh đường Jameh của Yazd): là một trong những thánh đường lớn và đẹp nhất của Iran, là một ví dụ tuyệt vời về kiến trúc đạo Hồi và Islam cổ điển. Thánh đường này có kiến trúc ấn tượng với nhiều tháp gió và hình thức kiến trúc phức tạp. Nó là một nơi linh thiêng và đẹp mắt để thăm.
  • Dowlat Abad Garden (Vườn Dowlat Abad): là một trong những vườn cung điện nổi tiếng của Yazd, nằm trong một khu vườn xanh mát với cây cối tươi tốt và hồ nước. Đặc điểm nổi bật của vườn là Tháp Gió Dowlat Abad (Dowlat Abad Windcatcher), một trong những tháp gió lớn nhất và đẹp nhất Iran. Nó là một tượng đài kiến trúc và là nơi tuyệt vời để thư giãn và tận hưởng không gian xanh.
  • Yazd Atashkadeh (Đền Atash Behram): là một trong những địa điểm quan trọng của tôn giáo Zoroastrian, một trong những tôn giáo cổ xưa nhất thế giới. Nơi linh thiêng này chứa một ngọn đuốc vĩ đại, được coi là biểu tượng của tôn giáo Zoroastrian, và được duy trì bằng cách đốt trường đài hỏa ngọc 24/7.

Tip: mình ở Friendly Hostel trên Hostelworld. Nhà ở ngay phố cổ tiện đi lại, đồ ăn sáng được nhé.

Kinh đô đế quốc Ba Tư Shiraz

Kinh đô đế quốc Ba Tư Shiraz

Shiraz (شیراز ) là thủ phủ của tỉnh Fars, cách Tehran khoảng 850 km về phía Nam. Nơi đây có khí hậu ôn hòa, là trung tâm thương mại của khu vực suốt hơn 1000 năm qua. Do đó, dân cư tập trung đông đúc, đây là thành phổ lớn thứ 6 Iran về mặt dân cư. Nổi tiếng với vườn Eram, cổng Qur’an và có sân bay quốc tế. Dưới đây là một số điểm đến đáng lưu ý:

  • Lâu đài Karim Khan: Được xây dựng vào thế kỷ 18, lâu đài Karim Khan là một ví dụ xuất sắc về kiến trúc lâu đài của Iran. Nó nằm ở trung tâm thành phố và là một địa điểm lịch sử quan trọng.

Karim Khan Citadel

  • Thành phố cổ Persepolis: Nằm cách Shiraz khoảng 60 km về phía lý tưởng là Persepolis, một thành phố cổ xây dựng bởi vua Cyrus Đại đế. Nơi này được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới và là một trong những điểm tham quan quan trọng nhất của Iran.

Persepolis

  • Bảo tàng Eram: Bảo tàng này trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật và hiện vật về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật của Iran.
  • Vườn thơm Eram (Eram Garden): Một trong những vườn cung điện đẹp nhất của Iran, vườn Eram nổi tiếng với kiến trúc xanh và cây cỏ tươi mát. Nơi này là một điểm đến lý tưởng để thư giãn và tận hưởng không gian tự nhiên.
  • Thành phố cổ Shiraz (Shiraz Historic District): Khu phố cổ của Shiraz là nơi bạn có thể tham quan các ngôi nhà truyền thống và cửa hàng thủ công, tìm hiểu về nền văn hóa truyền thống của Iran và thưởng thức ẩm thực địa phương.

Shiraz còn nổi tiếng với thảm thủ công độc đáo, rượu vang, và văn hóa văn học, đặc biệt là văn học cổ điển và thi ca của Hafez và Saadi, hai nhà thơ nổi tiếng của Iran. Thành phố này thường được xem là một trung tâm văn hóa và du lịch quan trọng.

Thủ đô tâm linh Mashhad

Thủ đô tâm linh Mashhad

Mashhad (مشهد) là thành phố lớn thứ hai nhưng quan trọng nhất của Iran về mặt tôn giáo, nằm ở phía đông bắc cách thủ đô Tehran hơn 900 km. Nổi tiếng với tông đường hồi giáo Shia và là nơi đặt mộ của vị thánh nổi tiếng là Imam Reza, người được tôn là người kế thừa thứ 8 của người sáng lập tôn giáo Shia. Dưới đây là một số điểm đáng chú ý ở Mashhad:

  1. Lăng mộ Imam Reza (Imam Reza Holy Shrine): Đây là nơi linh thiêng và quan trọng nhất của Mashhad, nơi diễn ra nhiều hoạt động tôn giáo và lễ hội. Người hành hương từ khắp nơi đến đây để tôn vinh Imam Reza.
  2. Bảo tàng Astan Quds Razavi: Bảo tàng này có bộ sưu tập rất đa dạng về nghệ thuật, văn hóa và lịch sử của Iran và tôn giáo Shia.
  3. Lâu đài Khajeh Rabi’ (Rabi’ Khajeh Castle): Lâu đài cổ kính này nằm gần thành phố Mashhad và là một trong những di tích lịch sử quan trọng của khu vực.
  4. Công viên Mellat (Mellat Park): Công viên lớn và xanh mát tại Mashhad, là nơi dân địa phương và du khách đến để thư giãn và tận hưởng không gian tự nhiên.
  5. Bảo tàng Gonbad-e Sabz (Gonbad-e Sabz Museum): Bảo tàng này trưng bày nhiều hiện vật về văn hóa và lịch sử của vùng Khorasan.

Mashhad cũng nổi tiếng với các cửa hàng bán hàng thủ công và thảm thủ công độc đáo. Ngoài ra, thành phố này có một nền ẩm thực phong phú với các món ăn ngon và đặc sản độc đáo. Mashhad là điểm đến tôn giáo quan trọng và độc đáo, thu hút hàng triệu du khách và người hành hương mỗi năm.

Tip: mình đến Mashhad đúng dịp lễ nên dù có nhờ người dân tìm cũng không có chỗ ở. Mashhad không có trên Hostelworld nên đành mò khách sạn qua Google Map. Cuối cùng ở khách sạn 4 sao Rose Darvishi, vị trí bao đẹp, bao ăn sáng, trưa, khoảng 83$ một đêm. Một số khách sạn khác cho bạn tham khảo: Sinoor Hotel, Ghasr Talaee Hotel, Javad Hotel.

Thủ phủ vùng Tây Bắc Tabriz

Thủ phủ vùng Tây Bắc Tabriz

Tabriz (تبریز) là thành phố lớn thứ tư tại Iran và là thủ phủ của tỉnh Azerbaijan Đông. Thành phố này nằm ở độ cao 1.350 mét, nằm ở sự hợp lưu của sông Quri và sông Aji. Tabriz từng là thành phố lớn thứ hai tại Iran cho đến cuối thập kỷ 1960, và cũng là một trong những cố đô của quốc gia này. Tabriz nổi tiếng với văn hóa đa dạng, thương mại sầm uất, và các địa điểm lịch sử quan trọng như Thành Tabriz và Tháp Jameh. Dưới đây là một số điểm đến đáng lưu ý:

  1. El Goli (Shah Goli): El Goli, còn được gọi là Shah Goli, là một công viên và khu vực nghỉ dưỡng nằm ở ngoại ô Tabriz. Nơi này nổi tiếng với hồ nước và kiến trúc độc đáo, bao gồm một ngôi đền trên hồ và một tòa lâu đài cổ kính. Đây là một điểm đến yên bình để thư giãn và tận hưởng cảnh quan tự nhiên.
  2. Blue Mosque (Masjid-e Kabud): Ngôi Đền Xanh (Blue Mosque) là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng của Tabriz. Nó nổi tiếng với lối kiến trúc màu xanh lá cây và trắng đặc trưng, với các họa tiết tinh xảo trên gạch men. Được xây dựng vào thế kỷ 15, đây là một nơi tham quan lịch sử và nghệ thuật tại Tabriz.
  3. Bazaar of Tabriz (Bazar Tabriz): Bazaar of Tabriz là một trong những bazaar lớn nhất thế giới và được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Nơi này là trung tâm thương mại sầm uất và có kiến trúc truyền thống đẹp mắt với nhiều hàng hóa đa dạng từ thực phẩm đến thảm và đồ thủ công.
  4. Azerbaijan Museum (Bảo tàng Azerbaijan): Bảo tàng Azerbaijan ở Tabriz là nơi trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật và di vật lịch sử của khu vực Azerbaijan. Bảo tàng này cho phép du khách tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, và nghệ thuật độc đáo của người dân Azerbaijan và vùng lân cận.

Tip: mình ở Bahaar hostel, đặt qua Hostelworld. Khu vườn dễ thương có ngôi nhà trên cây thơ mộng. Anh chủ nhiệt tình, whatsapp +989143199086. Ngoài ra, ở Tabriz, mình có thuê guide địa phương là cô Beh Tarval rất ổn, whatsapp +989214044636.

Lịch trình du lịch tự túc Iran 21 ngày

Fars Province, Shiraz, Lotf Ali Khan Zand St, Iran

Iran là một đất nước rộng lớn với nhiều điểm du lịch cách xa nhau, cần rất nhiều thời gian để khám phá. Tùy theo thời gian của bạn, Bankervn xin gợi ý có 3 cung đường chính như sau:

  • Tehran, Kashan, Isfahan, Yazd, Shiraz trong khoảng 8 ngày
  • Tehran, Kashan, Abyaneh, Isfahan, Yazd, Kerman, Shahdad Kalouts, Shiraz, Tabriz trong khoảng 12 ngày
  • Tehran, Tabriz, Isfahan, Khuzestan, Shiraz, Kerman, Yard, Mashhad khoảng 15 ngày

Dưới đây là lịch trình của một team ưa xê dịch, trong 21 ngày đã khám phá hầu hết các điểm du lịch nổi tiếng nhất Iran. Mời các bạn tham khảo:

Ngày 1-3: Tehran

  • Ăn tối tại Darban.
  • Mua sắm tại Friday Flea Market.
  • Tham quan Bảo tàng Đá Quý, Đại sứ quán Mỹ cũ (nơi quay phim Argo), và tháp Azadi.

Ngày 4-5: Esfahan

  • Tham quan Quảng trường Naqsh-e Jahan, một trong những quảng trường lớn nhất thế giới.
  • Khám phá các thánh đường Hồi Giáo như Shah Mosque, Jameh Mosque, Sheikh Lotfollah.
  • Đến Nhà thờ Cơ đốc giáo Armenia Vank Cathedral.
  • Leo lên đền thờ Bái Hỏa Giáo Zoroastrian.
  • Mua sắm tại Grand Bazaar.

Ngày 6-7: Yazd

  • Tham gia Walking tour miễn phí tại khu phố cổ Yazd.
  • Thăm Jameh Mosque và khu phức hợp Mair Chakmaq Complex.
  • Tour đi Meybod, Narin Castle và làng cổ Kharanaq cách Yazd 70km với giá khoảng 500.000 rial ~13 USD.

Ngày 8-9-10: Shiraz

  • Tham quan Nasir-ol-molk Mosque (Pink Mosque).
  • Mua sắm tại Vakil Bazaar.
  • Đến Lăng mộ Hafez và vườn Eram.
  • Mướn xe và tài xế để thăm Persepolis và Necropolis, 2 người, khoảng 900.000 rial ~ 25 USD.

Ngày 11-12: Kashan

  • Thăm Fin Garden, Borujerdi House/Tabātabāei House.
  • Tham quan Agha Bozorg Mosque và Sultan Amir Ahmad Bathhouse.
  • Tour tham quan Noushabad Underground City, đền thờ Hilal Ibn Ali, sa mạc Merajab, cánh đồng muối và caravanserai giá khoảng 20 EUR.

Ngày 13-14: Qazvin (Cố đô vương triều Safavid)

  • Tham quan vườn thượng uyển Chehel sotoun.
  • Thăm Jameh Mosque ở Qazvin.

Ngày 15: Alamut Valley

  • Bắt xe taxi chung đến thung lũng Alamut để thăm Lâu đài của những sát thủ (Castles of the Assassins) giá khứ hồi 1.000.000 rial ~ 26 USD).

Ngày 16-17: Tabriz

  • Mua sắm tại chợ Tabriz, khu chợ vòm lớn và cổ nhất Trung Đông.
  • Thăm Blue Mosque và Saat Tower.
  • Dạo chơi tại Elgoli Park.

Ngày 18: Kadovan & Sarein

  • Thuê xe taxi để thăm làng Kadovan, nơi có những ngôi nhà được chạm khắc từ đá núi lửa (600.000 rial ~ 16 USD).
  • Nghỉ đêm tại làng Sarein với hồ khoáng nóng (300.000 rial ~ 8 USD).

Ngày 19: Ardabil & Rasht

  • Tham quan khu lăng mộ Sheikh Safi al-Din ở Ardabil trên đường từ Sarein đến Rasht.
  • Dạo chơi tại quảng trường trung tâm và tham quan chợ cá ở Rasht.

Ngày 20: làng Masuleh

  • Bắt xe taxi chung đến làng Masuleh: từ Rasht đến Fuman, sau đó bắt 1 xe khác đến Masuleh, khoảng 100.000 rial ~ 2.6 USD.
  • Thuê nhà dân ở làng Masuleh với giá 500.000 rial ~ 13 USD/đêm.

Ngày 21: Trở lại Tehran – Kết thúc hành trình đáng nhớ.

  • Bắt xe từ Masuleh trở lại Fuman, sau đó đi xe bus về Tehran.
  • Mua sắm tại Grand Bazaar ở Tehran.
  • Lên chuyến bay Airasia đêm về Bangkok quá cảnh ở KL, khoảng 200 USD/chiều.
Minh Ngo
Minh Ngo
Co-Founder & CEO at Bankervn
Share:
Chuyên mục:
Bài viết liên quan: