Sau Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc, mình sẽ hướng dẫn các bạn thủ tục xin visa du lịch Nhật Bản tự túc. Bài viết được tổng hợp kinh nghiệm của Bankervn, cùng các khách hàng đã xin thành công và không thành công visa Nhật Bản.
Cách xin visa du lịch Nhật Bản tự túc
Kinh nghiệm xin visa du lịch Nhật Bản tự túc

Xin visa Nhật Bản có khó không
Đại sứ quán tại Hà Nội xử lý tất cả hồ sơ có nơi sinh trên hộ chiếu từ Gia Lai, Bình Định trở ra Bắc. Chính sách xét duyệt chỉ khó hơn Hàn Quốc đôi chút. Thỉnh thoảng có những đợt trong năm, Đại sứ quán xiết chặt một chút xíu. Nhưng cơ bản, Đại sứ quán xét dễ hơn Lãnh sự trong Sài Gòn nhiều. Trường hợp này mình khuyến khích các bạn chuẩn bị hồ sơ kỹ và tự nộp.
Tổng lãnh sự quán tại TP. Hồ Chí Minh xử lý hồ sơ có nơi sinh từ Đắk Lắk, Phú Yên trở vào Nam. Bạn nộp qua đâu thì hồ sơ cũng chuyển về đây xử lý. Và xin chia buồn, tỷ lệ đậu 100% là hên xui và không phụ thuộc hồ sơ của bạn đâu. Mình đã từng trao đổi với người có chức vụ rất cao, người có tài chính mạnh, người có lịch sử du lịch hầu hết các nước G7 và cả người đi Nhật như cơm bữa “rớt”. Nếu bạn nằm trong trường hợp này và có kế hoạch rõ ràng sẽ đi Nhật, mình khuyên chân thành hãy thử liên hệ Dịch vụ visa Nhật Bản của Bankervn, nếu bọn mình không nhận hãy tự nộp.
Có một điểm khác biệt trong chính sách visa của Nhật so với tất cả các nước phát triển khác: không thu phí lãnh sự nếu không đậu visa. Hồ sơ xin visa Nhật Bản cũng không yêu cầu dịch thuật. Do đó, nếu đã thích thì “nhích”, đậu ta đi còn không đậu ta cũng không mất gì. Còn nhiều đất nước khác thú vị đang chờ ta khám phá phải không nào.
Loại visa, phí lãnh sự, thời hạn và thời gian lưu trú

Visa nhập cảnh một lần
Loại này dùng cho các mục đích du lịch, thăm thân, công tác
- Phí xin visa: 630.000 VND. Đóng bằng tiền Việt, trường hợp rớt visa sẽ được hoàn lại phí.
- Thời gian xét duyệt: tối thiểu 8 ngày làm việc.
- Thời hạn visa: 90 ngày. Thời gian lưu trú tối đa: 15 ngày. Ví dụ: Ngày 20/04, bạn được cấp visa thời hạn 90 ngày, thời gian lưu trú 15 ngày. Có nghĩa là thời hạn visa sẽ bắt đầu từ ngày 20/04 đến ngày 19/07. Trong thời hạn 90 ngày đó, bạn có thể nhập cảnh Nhật bất cứ lúc nào. Nhưng chỉ được 1 lần. Và thời gian tham quan ở đây không được quá 15 ngày. Lưu ý là thời hạn visa 90 ngày chứ không phải 3 tháng như visa Hàn Quốc nhé
Visa nhập cảnh nhiều lần
Loại này dùng cho các mục đích du lịch, thăm thân, công tác. Chỉ áp dụng cho các trường hợp đã từng đi Nhật trong 3 năm trở lại đây. Hoặc từng đi các nước phát triển, hoặc có năng lực tài chính “mạnh”. Tuy nhiên, đơn vị xét duyệt có thể sẽ chỉ cấp visa nhập cảnh 1 lần
- Phí xin visa: 1.220.000 VND. Đóng bằng tiền Việt, trường hợp rớt visa sẽ được hoàn lại phí.
- Thời gian xét duyệt: tối thiểu 8 ngày làm việc
- Thời hạn visa: tùy hồ sơ sẽ được cấp từ 1-5 năm. Thời gian lưu trú tối đa: 15 ngày hoặc 30 ngày
Thủ tục xin visa du lịch Nhật Bản tự túc

Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ
Quy định hồ sơ của cơ quan lãnh sự rất đơn giản và chung chung. Khi liên hệ luôn nhận được câu trả lời: hồ sơ có gì cứ nộp như thế. Dựa theo kinh nghiệm, mình sẽ checklist giấy tờ trong từng trường hợp:
1. Hộ chiếu: bản gốc hộ chiếu còn thời hạn ít nhất 6 tháng và 2 trang trống để dán visa
2. Sổ hộ khẩu: bản sao y công chứng tất cả các trang kể cả trang trống
3. Ảnh: kích thước 4.5cm×4.5cm được chụp trong vòng 6 tháng trở lại. Sau khi điền đơn thì dán ảnh vào luôn
4. Đơn xin cấp visa: điền đầy đủ thông tin, in ra và ký tên. Hướng dẫn điền đơn xem tại đây
5. Hồ sơ chứng minh khả năng chi trả cho chuyến đi
Chủ doanh nghiệp
- Giấy đăng ký kinh doanh
- Tờ khai thuế 3 tháng/quý/6 tháng/1 năm gần nhất. Có đóng dấu.
Nhân viên, người làm công ăn lương
- Hợp đồng lao động, quyết định bổ nhiệm (nếu có)
- Giấy xác nhận của đơn vị công tác
- Đơn nghỉ phép đi du lịch
- Sao kê tài khoản trả lương/phiếu lương/bảng lương 3 tháng gần nhất
Học sinh, Sinh viên
Trường hợp để nâng cao tỷ lệ đậu cần có người bảo lãnh tài chính là cha mẹ
- Thẻ học sinh, sinh viên và giấy xác nhận học sinh, sinh viên
- Nếu thời gian đi du lịch không trùng với ngày nghỉ thì cần đơn xin nghỉ phép
- Giấy khai sinh để chứng minh quan hệ với cha mẹ
- Hợp đồng lao động, quyết định bổ nhiệm (nếu có), sao kê lương/bảng lương/phiếu lương của cha mẹ
- Học sinh dưới 18 tuổi: Giấy đồng ý của ba mẹ kèm chứng minh thư của cha mẹ
Nghỉ hưu:
- Sổ hưu trí; Quyết định nghỉ hưu (nếu có)
- Sao kê tài khoản nhận lương hưu/Phiếu lương hưu 3 tháng gần nhất
6. Chứng minh tài chính du lịch Nhật Bản
- 01 bản sao sổ tiết kiệm: số tiền tối thiểu 100 triệu hoặc 5000$. Không quy định thời gian từ khi mở sổ đến ngày nộp hồ sơ. Kỳ hạn từ 3 tháng trở lên
- 01 giấy xác nhận số dư: không có bất cứ quy định nào về ngôn ngữ hay thời gian xin xác nhận
- Tham khảo bảng phí dịch vụ chứng minh tài chính xin visa Nhật Bản tại đây
7. Lịch trình du lịch Nhật Bản
- Trước đây không quy định mẫu lịch trình du lịch. Nhưng hiện nay, bắt buộc sử dụng mẫu của cơ quan lãnh sự Nhật Bản. Xem mẫu tại đây
8. Xác nhận đặt phòng khách sạn (nếu có)
- Có thể đặt phòng trên booking, agoda và chọn phương thức thanh toán sau để lấy xác nhận đặt phòng xin visa. Xem hướng dẫn cách làm tại đây
9. Xác nhận đặt vé máy bay khứ hồi (nếu có)
- Tương tự như đặt phòng khách sạn, có thể đặt vé máy bay qua Vietnam Airlines chọn thanh toán sau để lấy xác nhận đặt vé máy bay xin visa. Hướng dẫn chi tiết tại đây
10. Các giấy tờ khác
Để làm đẹp thêm hồ sơ, nếu bạn có tài sản có giá, hãy nộp kèm hồ sơ nhé. Các giấy tờ thể hiện tài sản bao gồm:
- Sổ hồng, sổ đỏ, hợp đồng mua bán căn hộ
- Sổ gửi vàng, giấy đăng ký xe ô tô
- Giấy góp vốn, cổ phần
Những điều cần lưu ý:
- Nếu có trẻ em đi cùng: bổ sung giấy khai sinh
- Trường hợp vợ chồng đi cùng: bổ sung giấy đăng ký kết hôn
- Hồ sơ không cần dịch thuật, chỉ cần bản sao công chứng
- Không chấp nhận ảnh dán vào đơn xin cấp visa sai kích thước quy định
- Đi thăm bạn bè người thân thì không được nộp hồ sơ du lịch. Thường thì khi có người quen bên Nhật nên làm hồ sơ thăm người thân hoặc thăm người quen thì tỉ lệ đậu cao hơn.
Bước 2. Nộp hồ sơ
Ngoài chính sách hoàn phí, không cần dịch thuật, Nhật còn có chính sách nhận hồ sơ xin visa thông qua các đại lý ủy thác. Do đó, người xin visa có rất nhiều lựa chọn để nộp hồ sơ. Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Nhật cũng hạn chế nhận hồ sơ từ cá nhân nên nếu nộp du lịch tự túc, hãy nộp qua các đại lý ủy thác.
Đại lý ủy thác xin visa đi Nhật có rất nhiều tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội. Ngoài ra còn có ở một số tỉnh thành như: Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Trị và Huế. Chi tiết địa chỉ: Danh sách đại lý ủy thác visa Nhật Bản
Xin visa qua đại lý ủy thác có ưu điểm là có thể nhờ bạn bè, người thân đi nộp dùm. Chất lượng dịch vụ về cơ bản sẽ tốt hơn cơ quan lãnh sự nhưng không phải tất cả. Hồ sơ sau khi được đại lý tiếp nhận sẽ gửi về Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán xét duyệt. Đại lý ủy thác chỉ là đơn vị được ủy quyền tiếp nhận mà không có quyền quyết định. Họ sẽ thu phí dịch vụ, mức phí này dao động từ 300 ngàn đến vài triệu đồng và không được hoàn lại nếu trượt visa.
Ở bước này, bạn chỉ cần tìm địa chỉ đại lý ủy thác gần mình và liên hệ với họ để mang hồ sơ đến nộp. Tuy nhiên, theo phản hồi của nhiều cộng đồng du lịch bụi, có nhiều đại lý ủy thác hay đòi hỏi làm khó làm dễ hồ sơ hoặc thu lệ phí tiếp nhận cao. Trước đây, mình có khuyến khích nộp tại Vfs Global nhưng hiện tại trung tâm này không tiếp nhận hồ sơ Nhật nữa. Vì vậy, bạn cứ liên hệ trao đổi về hồ sơ, lệ phí chi tiết trước khi đi nộp cho đỡ mất công nhé.
Bước 3. Tiếp nhận các phản hồi và nhận kết quả
Trong thời gian xét duyệt, nhân viên lãnh sự hoặc nhân viên đại lý ủy thác có thể gọi điện xác minh, bổ sung hồ sơ hoặc thông báo kết quả. Các câu hỏi xác minh qua điện thoại thường chỉ xoay quanh hồ sơ đã nộp như:
- Có biết tiếng Anh/tiếng Nhật không
- Đi một mình hay đi với ai. Đi với bạn bè thì người đó là ai, tên gì, đã có visa chưa
- Đang làm gì, chức vụ gì, chỗ làm việc
- Dự định đi khi nào, đi bao lâu, lịch trình thế nào, ở đâu
- Chi phí dự kiến hết bao nhiêu
Đừng lo lắng. Đây chỉ là các câu hỏi xác minh thông thường. Nếu bạn trực tiếp chuẩn bị hồ sơ thì không có gì là không trả lời được cả. Đến ngày hẹn trả kết quả hoặc khi được đại lý ủy thác thông báo, bạn mang giấy tờ cá nhân và biên nhận lên nhận kết quả. Nếu đậu visa thì đóng phí lãnh sự. Trường hợp bị từ chối sẽ được miễn không phải đóng bất cứ chi phí nào
Câu hỏi thường gặp
Như vậy, Bankervn đã chia sẻ toàn bộ về thủ tục xin visa du lịch tự túc Nhật Bản. Chúc các bạn xin visa Nhật Bản thành công và có một chuyến du lịch đầy trải nghiệm!
Xin visa Nhật Bản ở đâu
Có 3 cách địa chỉ để xin visa du lịch Nhật là: Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán và Đại lý được ủy thác. Tuy nhiên, Đại sứ quán và lãnh sự hạn chế nhận hồ sơ từ cá nhân nên lựa chọn tốt nhất là nộp qua Đại lý ủy thác. Danh sách đại lý ủy thác visa Nhật Bản tại đây
Người xin visa có cần đến nộp trực tiếp không
Tùy thuộc vào đại lý ủy thác mà bạn nộp. Thông thường là có thể nhờ người thân hoặc bạn bè đi nộp hộ. Tuy nhiên, người nộp hộ cần trả lời được các câu hỏi của nhân viên tiếp nhận.
Xin visa Nhật Bản mất bao lâu
Theo quy định là 8 ngày làm việc nhưng thực tế thời gian xét duyệt là 2-3 tuần.
Địa chỉ Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội
- Địa chỉ: 27 Liễu Giai, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình
- Website: http://www.vn.emb-japan.go.jp
- Điện thoại: 02438463000; Fax: 02438463046
- Thời gian làm việc từ thứ 2 đến thứ 6 trừ ngày lễ Việt Nam và Nhật Bản
- Nhận hồ sơ từ 8:30 – 15:00. Trả kết quả từ 13:00 – 16:00
Địa chỉ Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM
- Địa chỉ: 261 Điện Biên Phủ, Phường 7, Quận 3
- Website: http://www.hcmcgj.vn.emb-japan.go.jp
- Điện thoại: 02839333510; Fax: 02839333520
- Thời gian làm việc từ thứ 2 đến thứ 6 trừ ngày lễ Việt Nam và Nhật Bản
- Buổi sáng nhận hồ sơ xin visa từ 8:30 – 11:30. Buổi chiều trả kết quả từ 13:15 – 16:45
- Thời gian xét duyệt visa: tối thiểu 8 ngày làm việc